[LONGFORM] - LÝ LUẬN VĂN HỌC CHO HỌC SINH GIỎI | GIAO ĐIỂM CỦA VĂN HỌC VÀ HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG

Ngày 06/06/2021 18:42:40, lượt xem: 7045

 

“Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện.” Lời nhận định của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã ngầm trả lời cho câu hỏi “Giao điểm giữa văn học và hiện thực đời sống là ở đâu?” – đó chính là con người. Nhưng tại sao lại có thể khẳng định như vậy? Liệu có minh chứng nào cho kết luận ấy hay không? Học Văn chị Hiên sẽ cùng bạn đọc làm rõ trong bài viết này.

Những độc giả yêu thích văn học kinh điển hẳn không còn xa lạ khi nhắc đến “Trăm năm cô đơn” của tác giả Gabriel Garcia Marquez. Nhưng có thể bạn chưa biết ngôi làng Macondo trong truyện là ngôi làng mà nhà văn tưởng tượng ra dựa trên chính những ký ức của ông về ngôi làng thời niên thiếu của mình. Điều này đã được ông khẳng định trong cuốn hồi ký “Sống để kể lại”. Cũng theo cuốn hồi ký này, rất nhiều sự kiện, nhân vật của “Trăm năm cô đơn” được tác giả lấy từ cuộc đời thật. Đại tá Aureliano Buendia điểm giống với ông ngoại của nhà văn – cùng là đại tá thuộc phái Tự do trong cuộc chiến tranh. Nhưng chính ông ngoại của tác giả đã giết một người trong một cuộc thách đấu, điều này trùng với nhân vật Jose Arcadio Buendia trong tiểu thuyết. Nhân vật Ursula Iguaran thì giống với bà ngoại của Marquez, người cuối đời cũng bị mù. Nhóm bạn của Aureliano Babilonia ở phần cuối truyện, mà trong đó cũng có một nhân vật mang họ Marquez, chính là nhóm bạn của tác giả khi ông bắt đầu tham gia báo chí.

 

Bên cạnh đó, những nhân vật trong cuốn sách “Giết con chim nhại” của nữ nhà văn Harper Lee cũng là hình mẫu được lấy từ thực tế. Cha của tác giả, Amasa Coleman Lee, là một luật sư giống như nhân vật Atticus Finch. Vào năm 1919, ông bảo vệ cho hai bị cáo người da đen bị nghi ngờ giết người. Hai người này sau đó bị buộc tội, bị treo cổ và bị bôi nhọ. Từ đó, ông không tham gia vào vụ án nào nữa. Nhân vật Dill trong truyện cũng được lấy hình ảnh từ người bạn thuở ấu thơ, Truman Capote, người mà sau này Lee đã đi cùng để điều tra vụ án mạng tại Kansas trong cuốn sách “Máu lạnh của ông”.“Giết con chim nhại” là bài học cuộc đời mà anh em Jean Louise và Jem đã học được từ chính cha và những người hàng xóm của mình. Cuốn sách đề cao lòng dũng cảm, tình yêu thương và sự thức tỉnh lương tâm con người trong thời đại rối ren tại miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ.

 

 

Trở về với văn học Việt Nam, nhà văn Ma Văn Kháng – một cây bút nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam sau Đổi Mới, chia sẻ rằng những nhân vật trong văn của ông được lấy cảm hứng từ chính những thành viên gia đình. Như trong tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn”, nhân vật Đông “có nguyên mẫu từ ông anh vợ”; còn Lý thì là “hình tượng tổng hòa của các bà chị dâu” của nhà văn. Hay như trong “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, nhân vật Bá Kiến hống hách, ác độc chính là một nhân vật có thật. Ngôi nhà của Bá Kiến ở làng Vũ Đại, cũng có thật và được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam – quê của tác giả).

 

Đó là lý do vì sao ta có thể khẳng định con người chính là điểm xuất phát của hành trình từ đời sống đến văn học. Không có hiện thực cuộc sống, sẽ không có hình mẫu nào để văn học soi rọi theo. Không có hiện thực cuộc sống, sẽ không có nhân vật nào để văn học khơi nguồn cảm hứng. Văn học lấy chất liệu từ thực tế để dệt nên thành con chữ, hóa thành những câu chuyện, mà con người chính là tâm điểm. Vì vậy, con người là gốc rễ, là căn nguyên của mọi sự việc diễn ra trong đời sống; đồng thời cũng là nơi xuất phát trong hành trình chinh phục văn học. Cầu nối giữa hiện thực và văn chương, không ai khác ngoài con người, và chỉ có thể là con người mà thôi.

Có một sự thật không thể chối cãi ở văn học, đó là khả năng xây dựng những nhân vật có tính điển hình. Cái tài của các nhà văn chính là nhìn ra những nét điển hình của con người trong xã hội, để bất kì người đọc nào cũng có thể thấy bóng dáng nhân vật đó trong các cá nhân xung quanh họ, kể cả đó có là những nhân vật lấy cảm hứng từ thực tế. Lấy ví dụ ngay trong “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng. Mặc dù các nhân vật được xây dựng từ nguyên mẫu đời thực, song lại mang những nét điển hình của một lớp người nhất định. Như Đông là con người thời chiến, có vẻ đẹp chất phác, giản dị của người chiến sĩ trận mạc, nhưng cũng có nhược điểm là suy nghĩ đơn giản, phó mặc, một hệ quả từ cơ chế bao cấp – chính là điển hình cho đa phần các ông chồng thời kỳ đầu những năm 80. Còn Lý, người phụ nữ đáo để, khéo việc nước, đảm việc nhà, nhưng dễ bị cuốn theo những giá trị vật chất, vì vật chất mà hất bỏ cả tình thân – lại chính là đại diện cho những người phụ nữ có xuất thân từ miền quê bước đầu đổi đời trên phố thị.

 

 

Hay khi nhắc đến văn học Trung Quốc, ta không thể không nói tới tính điển hình của nhân vật AQ trong “AQ chính truyện” của nhà văn Lỗ Tấn. AQ là một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học và không có nghề nghiệp ổn định. Là một cố nông, vậy mà AQ lại mang tư tưởng của giai cấp thống trị bởi lối sống với phương pháp thắng lợi tinh thần. Ðiều này đã tạo nên sự kỳ lạ trong tính cách của AQ. Song, có phải vì thế mà hình tượng nhân vật AQ thiếu nhất quán và xa rời thực tế không? Hoàn toàn không phải như vậy, trái lại AQ lại mang tính điển hình vô cùng chân thực. Phép thắng lợi tinh thần mà AQ sử dụng là một cách tự an ủi, huyễn hoặc bản thân để giúp bản thân phủi bỏ trách nhiệm sau mỗi thất bại và chối từ cố gắng. Nói cách khác, đó là trạng thái tâm lý của những kẻ thất bại nhưng không chịu thừa nhận, hơn thế còn tìm cách trốn tránh vào ảo giác thắng lợi tự mình tạo ra. Nhân vật AQ chính là điển hình cho lớp trẻ lười lao động, lười phấn đấu, không muốn sửa đổi và hoàn thiện mình mà chỉ luôn trốn tránh bằng phương pháp thắng lợi tinh thần.

 

Có thể nói, mỗi nhân vật trong các tác phẩm là một lần nhà văn đi “đãi vàng” trong bể cuộc đời, sao cho nhân vật vừa có nét điển hình tạo đồng cảm, vừa tự thân trở thành một cá tính riêng. Đó là lý do mà con người trở thành đích đến trong quá trình từ văn học trở về thực tại. Dù văn học có mang hình ảnh con người đi để khơi sâu, đào kỹ đến đâu, thì cũng vẫn sẽ phải mang trả con người lại với đời sống – nhưng dưới một hình tượng mang tính điển hình hơn. Cảm nhận được chiều sâu tâm hồn trong các tác phẩm văn học, là một lần cảm nhận được chính tâm hồn của người tạo ra họ: Những tâm hồn nghệ sĩ cao thượng, nhân văn, luôn nặng lòng với cuộc sống.

Một lần nữa, có thể khẳng định rằng tâm điểm khám phá của nghệ thuật và cuộc sống đều là con người. Con người là điểm xuất phát, là đối tượng khai thác chủ yếu, là đích đến của văn học; đồng thời là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi biến cố lịch sử. Nguyễn Siêu quan niệm: “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” cũng bởi lý do đó. Con người sẽ là nút thắt để gắn liền văn học vào cuộc sống, để nghệ thuật không còn là thứ ảo ảnh xa rời thực tiễn mà luôn là tấm gương phản ánh cuộc sống một cách chân thực và xúc động.

 

Việc tác giả lấy con người ra làm tâm điểm để khám phá cuộc sống, cũng như lấy con người làm đề tài sáng tác văn học thể hiện được tinh thần nhân đạo sâu sắc và cốt cách cao đẹp, tư chất nhân văn cần có của một nghệ sĩ chân chính. Đây cũng là cách các tác phẩm văn học có thể trụ lại với thời gian, để thực hiện chức năng cao cả không một bộ môn khoa học nào thay thế được – đó là hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ, gột rửa bớt những xấu xa của thói đời phức tạp, góp phần thanh lọc tâm hồn và lương tâm con người để cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

 

Bài viết tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau.

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan